28-05-2020

Trẻ tăng động giảm chú ý (hay còn viết tắt là ADHD) là một trong những rối loạn tinh thần phổ biến ảnh hưởng đến trẻ em cũng như ở người lớn.

Theo DSM 5, ADHD là tình trạng biểu hiện quá mức tình trạng không tập trung chú ý, hoạt động không kiểm soát và tăng hoạt động, làm ảnh hưởng đến việc học tập, phát triển cảm xúc và kỹ năng xã hội của trẻ.

Theo khảo sát dân số cho thấy ADHD xảy ra ở hầu hết các nền văn hóa, khoảng 5% ở trẻ em và 2.5% ở người trưởng thành (theo DSM 5). Ở Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn Thị Vân Thanh và PGS. TS Nguyễn Sinh Phúc trên 1.594 trẻ ở Hà Nội đã chỉ ra tỷ lệ trẻ mắc ADHD ở trẻ là 3.01%. Trong một nghiên cứu khác về tỷ lệ học sinh tiểu học mắc rối loạn giảm chú ý tại quận Ba Đình – Hà Nội đã cho thấy tỷ lệ học sinh mắc chứng ADHD trên địa bàn quận Ba Đình là 6.3%. Nói chung, những con số này khá cao và có xu hướng ngày càng gia tăng. Bên cạnh những số liệu dịch tễ trên, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng tăng động giảm chú ý thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, tỷ lệ xấp xỉ 2:1 ở trẻ em và 1.6:1 ở người lớn.

Hiện nay, nhiều cha mẹ cảm thấy băn khoăn, lo lắng khi lần đầu quan sát thấy trẻ hoạt động vận động quá mức khi mới biết đi. Tuy nhiên, các triệu chứng này rất khó phân biệt vì các hành vi mang tính quy chuẩn biến đổi nhiều trước 4 tuổi. Trong giai đoạn ở trường mầm non, biểu hiện chính mà chúng ta thường thấy trên trẻ là tăng hoạt động, còn khi trẻ học tiểu học, sự giảm chú ý được biểu hiện rõ rệt hơn. Các triệu chứng của ADHD thường được bộc lộ một cách rõ ràng và xác định nhiều nhất trong những năm mà trẻ học tiểu học. Bởi vậy DSM khuyến cáo không đánh giá ADHD đối với trẻ trước 6 tuổi (theo DSM 4) và trước 12 tuổi (theo DSM 5).

Rối loạn tăng động giảm chú ý tương đối ổn định khi trẻ bước qua tuổi vị thành niên sớm, nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều trẻ lớn lên mà những hành vi này không mất đi, mà chúng chuyển hóa dần thành những hành vi chống đối xã hội. Tăng đông – Giảm chú ý trong tuổi vị thành niên có những sự biến đổi khác nhau, khi trẻ lớn hơn thì những triệu chứng tăng có xu hướng giảm đi, nhưng những khó khăn như giảm chú ý, bồn chồn, lo lắng, lên kế hoạch kém, xung động thì vẫn tồn tại và có nguy cơ tăng lên.

Nếu trẻ có biểu hiện tăng động giảm chú ý thì chúng ta nên làm gì?

Một số phương pháp can thiệp đối với trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

  1. Giao cho trẻ làm các việc có tính kích thích cao, cùng với đó là cách làm, các quy tắc, những kì vọng, và không thể thiếu các thay đổi hợp lý dành cho trẻ tăng động, giảm chú ý.
  2. Cho phép trẻ được di chuyển trong lớp học. Trẻ tăng động chỉ có thể ngồi yên một lúc. Hãy cho phép trẻ gọt bút chì, làm việc vặt, đến giữa lớp, hay bất cứ việc gì, mỗi 15 phút một lần.
  3. Một vài trẻ có thể ngồi trong khoảng thời gian lâu hơn khi được ngồi trên một quả bóng lớn (bạn có thể tìm thấy ở các cửa hàng hay trung tâm trị liệu). Hoặc thử những loại ghế ngồi khác nhau cho trẻ.
  4. Thay vì trách móc trẻ mỗi khi chúng thốt ra một câu trả lời, hãy cố gắng khen ngợi khi chúng kiểm soát được bản thân. Hãy nhớ rằng hành vi như vậy không nằm trong sự kiếm soát của chúng.
  5. Đưa ra những cách khuyến khích khi trẻ hoàn thành bài tập về nhà hay một công việc được giao. Giáo viên có thể cho phép trẻ đạt được một đặc quyền nào đó khi trẻ cố gắng tuân theo các quy định trong lớp học.
  6. Thử đưa ra một hoạt động hay bài tập mang tính thử thách. Giáo viên cần chú ý vì nếu việc đó quá khó, trẻ sẽ bỏ cuộc trong thất vọng, còn nếu quá dễ hay lặp đi lặp lại mãi, chúng sẽ không thể tập trung.
  7. Hoạt động một kèm một rất hữu ích. Hãy xem xem có ai tình nguyện giúp trẻ không? Việc này là vô cùng cần thiết khi bắt tay vào một bài tập, vì những đứa trẻ này thường không biết cách làm thế nào để bắt đầu. Chúng cần sự chỉ dẫn đi kèm với các bước chi tiết và cách xây dựng ý tường.
  8. Luôn nhớ rằng sự tập trung thì rất đa dạng, vì vậy sự không nhất quán là khó tránh khỏi. Một hoạt động mới có thể gây hứng thú ngày hôm nay, nhưng đến ngày mai là trẻ đã chán. Chúng phản hồi với sự đa dạng, vì vậy giáo viên cần phải thật sáng tạo.
  9. Trẻ tăng động giảm chú ý thường có vấn đề trong việc dừng một hành động khi đã tập trung tham gia, vì thế hãy sáng tạo ra một tín hiệu (ví dụ như vỗ vào vai) hay giao nhiệm vụ cho một trẻ khác giúp đỡ khi cần đổi hướng sự chú ý của chúng.
  10. Vì hầu hết trẻ tăng động, chậm nói giảm chú ý đều gặp vấn đề với việc viết tay và liên tục suy nghĩ, hãy cho phép chúng sử dụng bàn phím. Một chương trình hỗ trợ đánh máy nên được áp dụng, ví dụ như Mavis Beacon, Mario Teaches Typing vv.
  11. Giao cho trẻ các bài luận ngắn hơn, hoặc cho phép chúng biểu đạt bằng những cách khác.
  12. Vấn đề chỗ ngồi cũng rất đáng lưu ý. Cho trẻ ngồi gần bạn và thường xuyên nhìn trẻ để giữ sự tập trung (cũng như làm giảm những yếu tố gây nhiễu).
  13. Gọi trẻ thường xuyên trong lớp học. Tương tác thực sự giữ chúng tập trung, và việc chờ đến lượt mình đối với trẻ tăng động giảm chú ý là rất khó khăn.
  14. Hãy nghiêm khắc trong lớp học và không cho phép các trẻ khác trêu chọc trẻ tăng động, giảm chú ý. Những đứa trẻ này đặc biệt dễ tổn thương khi bị chế giễu. Một cuộc họp lớp về những khác biệt giữa từng cá nhân sẽ giúp cho các trẻ bình thường chấp nhận trẻ đặc biệt dễ dàng hơn.
  15. Khi hành vi của trẻ trở nên khó kiểm soát, hãy yêu cầu trẻ lên ý tưởng cùng bạn những cách để giải quyết vấn đề. Việc này sẽ nâng cao nhận thức cá nhân và phát triển ý thức tự kiểm soát của trẻ.
  16. Tập trung phát triển một hệ thống liên lạc tốt giữa gia đình và nhà trường, bằng cách đó trẻ sẽ không bị tụt lại trong các công việc được giao về nhà, còn phụ huynh sẽ được cập nhật thường xuyên về hành vi của trẻ ở trường. Thật may mắn khi bây giờ chúng ta đã có email.
  17. Dành một chỗ trong phòng để trẻ tăng động, giảm chú ý điều chỉnh lại khi bị kích động hay không thể giữ tập trung. Nơi này nên là một góc yên tĩnh với tai nghe, một vài bài hát thư giãn, trò chơi ô chữ, sách vv. Đây không phải là góc phạt của trẻ, mà là nơi trẻ tự chọn để đến khi cần.
  18. Một nhóm kĩ năng hay “nhóm tình bạn” có thể giúp trẻ học những kĩ năng như đổi lượt, không đứng quá gần, không áp đáo một cuộc bàn luận, tìm ra niềm yêu thích của người khác vv. Việc này có thể giúp ngăn chặn sự xa lánh với trẻ.
  19. Nếu bạn có một Đội hỗ trợ học sinh hay Nhóm Chăm sóc (một nhóm tự lập ra để bàn về những đứa trẻ có vấn đề) ở trường mình, hãy cùng nhau lên ý tưởng làm sao để đáp ứng được nhu cầu của một đứa trẻ cụ thể hay những đứa trẻ tăng động giảm chú ý khác ở trường.

Nguồn: Upside-Down Brilliance: The Visual-Spatial Learner. (2002). Denver: DeLeon Publishing; DSM V: 2013

Quý phụ huynh học sinh cần tìm hiểu thêm thông tin vui lòng liên hệ:

  • Cô Dần – Giám đốc Trung tâm: 0978 259 186
  • Cô Lan – Phó Giám đốc Trung tâm: 0908 259 186
  • Địa chỉ: Số 33, ngõ 61, Thái Thịnh, P. Thịnh Quang, Q. Đống Đa, Hà Nội
  • Website: www.autism.edu.vn
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận