09-02-2018

Tết, Tết, Tết …..

Dịp Tết Nguyên Đán là dịp mà các gia đình đoàn viên, mọi người trong gia đình sẽ ngồi bên nhau hàn huyên những câu chuyện trong năm qua và chia sẻ những kế hoạch, dự định trong năm mới, cùng chúc nhau những câu chúc tốt đẹp nhất vào những ngày đầu năm.

Trong những ngày này, điều các cô ở Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Tâm lý và Giáo dục cho trẻ đặc biệt luôn mong muốn là mỗi trẻ đều cảm nhận được tình cảm, sự ấm áp, sự quan tâm của mọi người dành cho trẻ (điều này có thể hơi quá so với trẻ nhưng chúng ta vẫn cứ hi vọng) – “trao yêu thương nhận về yêu thương”.

Những ngày cuối năm của các cô bận hơn so với những ngày bình thường, ngoài việc chuẩn bị trang trí đón Tết thì các cô còn tất bật chuẩn bị những bài tập Tết cho trẻ, để phụ huynh có thể thực hiện tại nhà cho các con, dịp mà cả nhà có thể dạy con.

Dưới đây, chúng tôi xin tóm tắt một số dạng bài tập để phụ huynh có thể học và chơi với các con ngay tại nhà:

1.Vận động thô:

  • – Đi bộ chúc Tết họ hàng, đi chợ sắm Tết
  • – Chạy nhanh, chậm theo yêu cầu của bố mẹ hoặc người hướng dẫn.
  • – Đi trên vỉa hè, trên tường thấp tăng khả năng thăng bằng
  • – Nhảy (bật nhảy bằng 1 chân, nhảy lò cò, nhảy xa, bật nhảy vào ô ….)
  • – Ở trên giường phụ huynh có thể cho trẻ lộn mèo, lăn …
  • – Leo cầu thang (lưu ý cho con đi ra giữa cầu thang, và đi đổi chân)

2. Vận động tinh:

  • – Nhặt, phân loại các loại hạt (hạt bí, hạt hướng dương …), các loại bánh kẹo khác nhau theo màu sắc, kích thước.
  • – Tập bóc vỏ các loại hạt, bóc vỏ các loại bánh kẹo.
  • – Cầm nắm các loại bánh, kẹo với nhiều kích thước và khối lượng khác nhau.
  • – Bưng bê đĩa, bát

3. Nhận thức – Giao tiếp

* Trong quá trình phụ huynh cho con đi chợ, đi mua sắm cùng mình thì có thể kết hợp:

  • – Giúp nhận biết được các loại hoa quả, rau, con vật…
  •  – Khi đưa trẻ xách giúp đồ, phụ huynh cùng trẻ phân biệt to – nhỏ, nặng – nhẹ…
  •  – Đối với trẻ lớn, phụ huynh hướng dẫn con phân biệt và sử dụng đồng tiền khi trao đổi mua bán.

*Khi khách đến nhà chơi, phụ huynh nên:

  • – Giới thiệu thật chậm và rõ ràng tên khách đến nhà và yêu cầu trẻ chào hỏi; đối với trẻ chưa có ngôn ngữ phụ huynh càng phải yêu cầu trẻ chào, thể hiện thông qua hành vi (giơ tay, vẫy chào) hoặc khẩu hình miệng của trẻ.
  • – Khoanh tay nói “ạ” hoặc chìa tay nói “xin” khi nhận lì xì. Với trẻ có ngôn ngữ tốt hơn phụ huynh yêu cầu trẻ nói thêm “con/cháu cảm ơn ông/bà/cô/chú/bác…”
  • – Nói những câu chúc Tết đơn giản: “con chúc ông, bà/bố mẹ/ bác, cô, chú mạnh khỏe, hạnh phúc”…

Trong những ngày Tết phụ huynh thường cần hạn chế cho con ăn nhiều bánh kẹo, socola, hoặc uống nước có ga. Chúc quý phụ huynh và các con có một cái Tết vui khỏe, hạnh phúc và bổ ích.

 

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận