23-06-2020

Tháng  6, tháng của mùa hoa phượng nở đỏ rực trên bầu trời, màu bằng lăng tím ngắt, tháng của mùa thi cũng là tháng các bạn nhỏ 2014 chuẩn bị vào lớp 1. 

Việc thay đổi môi trường từ mầm non lên Tiểu học luôn là một trong những điều mà hầu hết phụ huynh đều lo lắng. Trẻ mầm non có khoảng thời gian học ngắn hơn so với tiểu học; nội dung dạy thì đan xen kết hợp giữa việc chơi với việc học; trẻ ở mầm non vẫn được ông bà bố mẹ, cô giáo chăm sóc nhiều hơn, còn trẻ TH bắt đầu phải có những kỹ năng tự phục vụ bản thân và biết cách giải quyết những vấn đề cơ bản khi trẻ ở lớp. Vậy, làm thế nào để trẻ 2014 có thể tự tin bước vào lớp 1? 

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn chuyên gia Tâm lý, trường ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ: “Phụ huynh cần nhận thức trước tiên rằng, khó khăn của các bé khi vào lớp một không phải là học chữ, học tính, học đọc, học viết… mà là học cách hòa nhập với môi trường mới, hoạt động mới. Muốn vậy, phụ huynh có thể giới thiệu về trường tiểu học cho con mình, dẫn trẻ đi ngang trường tiểu học để quan sát, nhìn ngắm các anh chị học tập, vui đùa”.

Vì vậy, các mẹ nên trang bị cho con một số kỹ năng cần thiết khi chuyển tiếp môi trường từ vui chơi sang chủ động học tập. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ như làm quen với bàn ghế kiểu “người lớn”, tập đi ngủ và thức dậy đúng giờ, học cách ngồi ngay ngắn, cầm bút viết, xin phép phát biểu hoặc đi vệ sinh, giữ gìn dụng cụ học tập…

Cụ thể, tiến sỹ Pat Spungin chuyên gia về tâm lý trẻ nhỏ và nuôi dạy con chia sẻ: “Trẻ nên học cách ngồi yên, chờ đợi và lắng nghe, học cách tự đi vệ sinh và những kỹ năng chăm sóc bản thân trước khi vào tiểu học. Một đứa trẻ cần có thời gian để hòa nhập”.

Đừng cố bắt ép trẻ làm được ngay các kỹ năng, cha mẹ có cả mùa hè để cùng con rèn thói quen tập trung, giao tiếp giữa thầy – trò, tự ăn uống, rửa tay, buộc dây giày… Cha mẹ sẽ là tấm gương tốt cho trẻ nhỏ về sự nề nếp và dạn dĩ.

Các chuyên gia tâm lý cũng đề xuất phụ huynh học cách lắng nghe và chia sẻ với con suốt thời gian hè chuẩn bị vào lớp 1. Thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trong chính gia đình của mình như: bữa ăn, giờ chơi, giờ học, hay đơn giản kể cho con câu chuyện về quãng thời gian đi học Tiểu học của chính cha mẹ  nhằm gieo mầm cảm xúc cho con nhỏ có hình dung hay ho về nơi mình còn bỡ ngỡ. 

Bên cạnh đó, bố mẹ hãy cùng con lên kế hoạch để có thể mua sách vở, bọc, dán nhãn vở cùng con để tạo cho con những hoạt động chuẩn bị tâm thế đến trường một cách tốt nhất. 

Song song với các hoạt động để chuẩn bị tâm thế cho con thì bố mẹ cũng cần chắc chắn rằng, con cũng cần có một số kỹ năng Tiền tiểu học nhất định về các mặt Toán, Tiếng Việt và một số kỹ năng mềm khác. Cụ thể như sau: 

Kỹ năng tiền Toán

  • Trẻ so sánh được nhiều hơn/ ít hơn bao nhiêu? Và các thuộc tính của sự vật như: nặng, nhẹ, dài, ngắn … 
  • Đếm số từ 1 – 100 và nhận biết được mặt chữ số từ 0 – 10 
  • Nhận dạng, gọi tên và phân biệt đặc điểm của  các hình khác nhau 
  • Thêm bớt số lượng trong phạm vi 10

Kỹ năng tiền Đọc – Viết

  • Nhận biết bảng chữ cái 
  • Cầm bút đúng cách tô, vẽ, viết trên dòng kẻ ngang theo quy tắc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới 
  • Có thể lắng nghe được câu chuyện và tóm tắt lại ý chính của câu chuyện đó.

Kỹ năng thích ứng

  • Làm quen với môi trường lớp học mới
  • Làm quen với bàn ghế ở lớp Tiểu học sẽ khác với lớp Mầm non
  • Làm quen với bạn bè, thầy cô và cách thức sinh hoạt ở trong trường Tiểu học. 
  • Biết sắp xếp, giải quyết vấn đề cá nhân trong các mối quan hệ ở môi trường rộng hơn

Kỹ năng tự phục vụ bản thân

  • Đi giày, dép
  • Biết mặc/ cởi quần áo 
  • Chuẩn bị đồ dùng cá nhân, sắp xếp sách vở, dụng cụ học tập cho bản thân 
  • Biết tự xúc cơm ăn – ăn được nhiều món ăn

Kỹ năng giao tiếp 

  • Giới thiệu bản thân (mô tả nhận biết bạn)
  • Lắng nghe và chú ý
  • Duy trì cuộc hội thoại
  • Nói luân phiên
  • Rủ người khác cùng chơi
  • Chia sẻ
  • Ứng xử khi thua cuộc
  • Ứng xử khi thắng cuộc
  • Ứng phó áp lực từ bạn bè
  • Nhờ người khác giúp đỡ
  • Biết cách đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi 

Với trẻ có nhu cầu đặc biệt thì để trẻ có khả năng hòa nhập vào môi trường rộng hơn thì chắc chắn cần rất nhiều sự hỗ trợ từ phía gia đình, giáo viên và các bạn học sinh đồng trang lứa. Có thể có một vài kỹ năng mà trẻ đặc biệt chưa đáp ứng được nhưng không có nghĩa là trẻ không thể theo học hòa nhập được. Quan trọng hơn hết là cách chúng ta tạo môi trường hòa nhập cho trẻ có phù hợp với năng lực, khả năng và an toàn với trẻ hay không? 

Có nhiều trẻ chưa thể đi học hòa nhập được thì chúng ta có thể chậm lại 1 năm hoặc 2 năm để chuẩn bị tốt nhất cho trẻ những kỹ năng còn thiếu hụt. Chúng tôi vẫn hay nói đùa với nhau là “Chậm nhưng mà chắc”. Để chắc chắn được rằng, con bạn đã có thể đi học được Tiểu học hay chưa thì phụ huynh có thể đưa con đến trung tâm chuyên biệt để đánh giá. Các bài test cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 bao gồm: 

  • Trắc nghiệm Trí tuệ (WISC IV) 
  • Y – CAT: Trắc nghiệm đánh giá Năng lực học tập dành cho trẻ nhỏ 

Ngoài ra, với một số trẻ có tiều sử ở một số chẩn đoán như Tăng động giảm chú ý, Tự kỷ, Chậm nói, Chậm phát triển trí tuệ … thì sẽ có các thang đo đánh giá kèm theo để đánh giá khách quan về tình hình của trẻ. 

Mọi thông tin chi tiết Quý phụ huynh vui lòng liên hệ: 

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG TÂM LÝ VÀ GIÁO DỤC CHO TRẺ ĐẶC BIỆT 

Địa chỉ: Số 33, ngõ 61, Thái Thịnh, P. Thịnh Quang, Q. Đống Đa, Hà Nội 

Điện thoại: 024 777 25 777    Hotline: 0978 259 186 – 0908 259 186 

Website: www.autism.edu.vn     Email: eduautism@gmail.com 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận