“ Cô giáo đặc biệt” của những học trò đặc biệt.
Tôi đến với nghề như một cái duyên.Kết thúc 4 năm đại học, với mong muốn chọn lựa được một công việc đúng ngành nghề như bao bạn trẻ mới ra trường khác, tôi đã mạnh dạn thử sức mình vào làm tại” Trung tâm ứng dụng tâm lý và giáo dục cho trẻ đặc biệt Autism Edu”. Càng gắn bó lâu với nơi đây tôi càng cảm thấy yêu thích công việc mà mình đã chọn, ước muốn cố gắng, ước muốn gắn bó với nó. Và cho đến bây giờ, tôi cảm thấy may mắn vì xác định đúng con đường mà bản thân đã dự định từ trước đó. Được thức dậy, đi làm, cống hiến và tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về công việc mà được người đời đặt cho cái tên hoa mĩ đó là “cô giáo” của những bạn trẻ đặc biệt.
Có thể mọi người sẽ nghĩ “làm giáo viên mầm non đã vất vả rồi, dạy các bạn trẻ đặc biệt còn vất vả hơn rất nhiều”. Trên quan điểm của tôi thì công việc gì cũng có cái khó riêng của nó, việc chăm sóc các bạn nhỏ nói chung đã rất khó, cần đến rất nhiều sự kiên nhẫn và thấu hiểu từ phía bản thân các giáo viên, không riêng gì các bạn nhỏ đặc biệt mà tôi đang theo dạy. “ Các bạn ấy không biết nói thì có biết gọi khi đi vệ sinh không?”, “ Nói các bạn có hiểu không?”,” Các bạn ấy hay chạy nhảy lung tung lắm nhỉ?”. Đó là hàng loạt những câu hỏi được đặt ra cho tôi khi nói mình làm “ Chuyên viên can thiệp cho trẻ tự kỷ”. Nhưng trên thực tế, cả tôi và đồng nghiệp của tôi đều thấy “ Chúng tôi rất nhàn “. Tại sao tôi lại muốn nói là việc dạy học đó “rất nhàn”? Bởi vì tất cả những đứa trẻ được sinh ra trên thế giới đều có những tâm tư tình cảm, nhu cầu, mong muốn của bản thân, chỉ là cách bộc lộ ra bên ngoài của những đứa trẻ đó khác nhau và người lớn có nắm bắt được suy nghĩ của các bạn ấy hay không mà thôi. Một bộ phận lớn trẻ đặc biệt có thể không diễn đạt được nhu cầu của mình bằng ngôn ngữ lời nói, nhưng thay vào đó thì các bạn ấy có thể diễn đạt nhu cầu bằng những tín hiệu khác nhau như ngôn ngữ cơ thể, hay hành vi của mình. Từ những hiểu biết đó những người làm nghề như tôi nắm bắt những biểu lộ cơ thể ấy để thấu hiểu, tương tác, dạy học, … Việc hiểu rõ từng bạn sẽ giúp công việc can thiệp của những chuyên viên trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả hơn rất nhiều.
Cái khó của những người làm nghề như chúng tôi là mỗi một học sinh là một “ Bông hoa” khác nhau, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người đều gặp những vấn đề riêng, không bạn nào giống bạn nào. Vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực từng ngày, trau dồi kiến thức chuyên môn để có thể tiếp cận, đánh giá chính xác nhất các vấn đề của trẻ và xây dựng một lộ trình can thiêp phù hợp nhất cho các con.
Một đứa trẻ bình thường không có chậm trễ về các lĩnh vực nhận thức,ngôn ngữ, tư duy, hành vi, cảm xúc, ….đi học cũng cần có thời gian làm quen trường, quen lớp, quen cô rồi mới bắt đầu học những bài học đầu tiên. Rồi cần có thời gian tích lũy , có cơ hội trẻ mới thể hiện ra thành hành động. Trẻ tự kỷ, chậm phát triển thì càng cần thời gian gấp nhiều lần so với thời gian phát triển của trẻ bình thường. Điều đó đòi hỏi những chuyên viên can thiệp phải có tâm đối về nghề, nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ và có sự phối hợp tích cực, tận tụy của gia đình và cộng đồng xung quanh thì việc can thiệp mới có hiệu quả.
Nhưng đổi lại niềm vui, động lực của chúng tôi mỗi ngày có lẽ là sự tiến bộ của học sinh. Thậm chí có những tiến bộ trong thời gian rất dài nhưng đó là nỗ lực của trò, là nguồn cảm hứng đối với người làm nghề như chúng tôi. Đã có lần, tôi nói vui với đồng nghiệp mình rằng “Can thiệp cho các con xong, các con tiến bộ, ổn rồi lại rời đi học ở trường khác “, chắc hẳn đó cũng là suy nghĩ chung của các cô – niềm vui xen lẫn một chút buồn. Bởi bạn biết sao không? Việc gắn bó với các con một thời gian dài, giúp các con hoàn thành chương trình can thiệp, được tận mắt chứng kiến sự tiến bộ của các bạn qua từng ngày và rồi đến một ngày các bạn lại rời đi đến một môi trường khác. Mỗi lần như vậy, trong tôi lại xuất hiện một nỗi buồn rất khác nhau. Biết là vậy nhưng mong muốn lớn nhất của những “cô giáo đặc biệt” vẫn là học trò của mình có thể trở về học trường hòa nhập với các bạn cùng trang lứa. Khi các con được tốt nghiệp, rời xa chúng tôi thì đó chính là kết quả tốt nhất cho nỗ lực của cả thầy và trò. Đó là lúc chúng tôi đã thành công.
Không chỉ có các cô dạy trò học, mà hàng ngày tiếp xúc với các con, tôi cũng học hỏi được nhiều điều từ chúng. Những đứa trẻ đã dạy tôi tính kiên trì, nhẫn nại. Chúng dạy tôi biết hiểu, biết cảm nhận một người qua ngôn ngữ cơ thể mà không cần phải lắng nghe qua lời nói. Có thể bạn không tin, nhưng tôi đã từng hiểu được tất cả mong muốn của đứa cháu 5 tháng tuổi của tôi thông qua ánh mắt mà nó nhìn tôi. Hơn tất cả, những đứa trẻ này giúp tôi nhìn nhận thấy giá trị của bản thân mình “ Chỉ cần tôi nỗ lực và cố gắng tôi có thể giúp được bao nhiêu gia đình có con là trẻ đặc biệt, giúp những đứa trẻ đăc biệt phát triển theo cách đặc biệt và tỏa sáng theo cách riêng biệt của chúng.”
Và nhân tiện đây tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả các em, các bậc phụ huynh đã tin tưởng và đồng hành cùng tôi trong suốt thời gian vừa qua.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới các đồng nghiệp của tôi từ những ngày đầu tiên trong sự nghiệp, chúng tôi đã cùng nuôi dưỡng các ý tưởng, thực hành và truyền cho nhau nguồn cảm hứng.
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11,Chúc tất cả các Cô giáo một ngày 20/11 đầy ý nghĩa, vui vẻ và luôn gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người.