12-11-2020
< Cảm xúc trong tôi > ?
Vậy là tính đến nay cũng được 3 tháng em bắt đầu công việc ở trung tâm rồi. Để quyết định làm ở trung tâm thì em cũng đã đắn đo suy nghĩ rất nhiều vì thời gian khá dài và con đường cũng không hề dễ dàng. Nhưng vẫn có một điều gì đó hối thúc em và em nghĩ rằng mình sẽ học được nhiều điều từ nơi này, và quả đúng như vậy. Nhớ ngày đầu đến làm Chị Lan có cảnh báo em rằng :” Các bạn nhỏ ở trung tâm có thể bắt nạt em đấy”, lúc đó em nghĩ rằng các bạn ấy làm sao mà bắt nạt được mình nhỉ ? Nhưng đúng là các bạn nhỏ ở trung tâm đã bắt nạt em bằng cách không chịu hợp tác học bài và ăn vạ rất nhiều, lúc đó em thật sự khá bối rối. Chưa kể công việc này hoàn toàn mới đối với em, mới về tất cả vì em tự nhận xét bản thân mình là một người sống ” cá nhân” và ít khi quan tâm chăm sóc người khác. Nên thời gian đầu ở trung tâm đã có khoảng thời gian em cảm thấy rất nặng nề vì thường xuyên quên đồ của các bạn cũng như chưa biết bao quát công việc. Đôi khi em thấy rất bất lực với bản thân tự trách sao mình hay quên đồ như vậy? Rồi có khi nào vì mình mà trung tâm bị mất uy tín không ? Thậm chí đã có lúc em muốn bỏ việc vì nghĩ rằng hai chị hơi quá khắt khe với mình. Nhưng sau hôm chị Phương bị đau bụng, em thấy sự quan tâm và cố gắng sơ cứu của hai chị với chị Phương đã khiến em thay đổi suy nghĩ. Mặc dù câu nói ” Không sao đâu em, chị ở đây rồi” với một số người rất bình thường nhưng với em lại vô cùng cảm động, em thấy rằng hai chị luôn quan tâm và coi các chuyên viên như chị em mình. Lúc đó em đã thôi những suy nghĩ tiêu cực và nhìn lại bản thân mình, không phải do mọi người không tốt mà là do mình chưa cố gắng.
Nếu hỏi công việc với em có khó khăn không ? Có. Vì việc chăm sóc và dạy dỗ những đứa trẻ bình thường đã khó rồi, đây còn là những đứa trẻ đặc biệt nên công việc có thể nói là X5 lần khó khăn, đòi hỏi mình phải kiên nhẫn rất nhiều. Vì mỗi đứa trẻ lại có một tính cách, một cách vấn đề riêng nên mình phải thật sự hiểu trẻ thì mình mới giải quyết được vấn đề đó. Như vì sao trẻ lại cư xử như thế ? Điều gì khiến bạn ấy khó chịu và mình phải làm gì trong hoàn cảnh đó? Nhưng sau khi em dần hiểu các bạn thì công việc đi vào một guồng quay và mọi thứ không còn khá khó khăn nữa.
Nếu hỏi công việc có đem lại cho em điều gì không ? Rất nhiều. Ngoài kinh nghiệm làm việc với trẻ, các kiến thức chuyên môn sau mỗi thứ 7 được chị Dần giảng dạy. Thì em nhận ra em đang dần trở thành một người tận tâm hơn, kiên nhẫn hơn, biết quan tâm trong sóc người khác hơn, chăm chỉ hơn. Ngoài ra em phải thú nhận rằng trước đây em không thích trẻ con, nhưng sau khi vào làm việc ở trung tâm em thấy yêu các bạn nhỏ ở trung tâm rất nhiều, mỗi ngày đến em đều muốn ôm ấp và yêu thương các bạn ý. Và đôi khi em thấy thật hạnh phúc khi các bạn ấy tốt hơn mỗi ngày.
Dù biết là công việc sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng em sẽ luôn cố gắng mỗi ngày để tốt hơn. Vì đây là một công việc vô cùng ý nghĩa, cũng là điều mà em luôn muốn làm đó chính là mang lại những giá trị tốt đẹp và khiến xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Em cảm ơn hai chị và trung tâm rất nhiều. Yêu thương ?
———————————————————–
Tháng 11 trong tôi là…
Là khi cái nắng mùa hè qua đi
Là khi bầu trời mùa thu trong xanh và mát mẻ lại tới
Và đó là khi…tôi ngồi viết nên những dòng suy nghĩ này…
nghĩ sao về nghề giáo, bạn nghĩ sao nếu mình trở thành một cô giáo, một ‘người lái đò’ hay một ‘người dẫn đường’
Giữa những lựa chọn và cơ hội của cuộc sống tôi đã chọn NGHỀ Giáo, nghề được tôn vinh là ‘Cao quý nhất trong những nghề cao quý’. Quả thực tôi tự hào biết bao khi được trở thành một cô giáo. Đặc biệt hơn nữa khi được là một cô giáo ‘ ĐẶC BIỆT ‘, mang trong mình trách nhiệm và niềm trăn trở là làm sao để giúp những học sinh khuyết tật, thiếu may mắn hơn các bạn khác được học kỹ năng tự phục vụ cơ bản, được hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa.
Niềm vui khi làm việc của bạn là gì???
Niềm vui của tôi là được thấy học sinh của mình gọi tiếng ‘cô’ hay đơn giản là thực hiện được những kĩ năng cơ bản để tự phục vụ. Bởi với trẻ thường đó là điều bình thường nhưng với trẻ ‘đặc biệt’ đó là cả quá trình cố gắng trẻ, từ gia đình và cả giáo viên.
Niềm vui cũng nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Tôi có thể chắc chắn rằng nếu không có tình yêu thương trẻ, không có sự nhiệt huyết, không có ‘lửa’ trong tim thì sẽ rất khó để trở thành giáo viên giáo dục đặc biệt.
Tháng 11 thực sự rất ý nghĩ với tôi và với tất cả những người làm nghề giáo. Đó là thời điểm cảm xúc trong tôi ùa về, là khi tôi có cảm giác bồi hồi xúc động biết bao.
Và tôi khẳng định rằng tôi tự hào khi đã đang và sẽ tiếp tục cố gắng với con đường mình đã theo đuổi.
Tuổi trẻ là những ước mơ, tuổi trẻ là những đam mê…Không có gì hạnh phúc hơn khi được làm điều mình thích. Tôi tin chắc rằng đây là những tháng ngày đáng nhớ trong cuộc đời tôi.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, tôi xin gửi lời chúc tới bố mẹ tôi_người thầy đầu tiên của tôi, tới tất cả những người thầy cô đã dạy dỗ tôi và tới những người làm nghề giáo lời chúc tốt đẹp lời tri ân sâu sắc nhất
Cuối cùng chúc bản thân tôi luôn cố gắng trau dồi kỹ năng kiến thức, giữ lửa đam mê với con đường mình đã chọn.
———————————————————–
? Cảm Xúc Trong Tôi _ 20/11 ?
?Bến Đỗ Đặc Biệt?
Người ta thường nói Thầy cô là những người lái đò thầm lặng . Khi 1 năm học qua đi cũng là lúc 1 chuyến đò cập bến. Nhưng đó là bến đỗ của những lứa học sinh bình thường. Còn với những bạn nhỏ mang trong mình 1 danh xưng đặc biệt_”Tự Kỉ” thì bến đỗ trở nên đơn giản hơn như thế rất nhiều. Bến đỗ ấy không chỉ tượng trưng cho 1 năm học kết thúc , cũng không còn bị bó hẹp bởi 1 thế hệ học sinh qua đi. Nhưng bến đỗ của những cô cậu học sinh đặc biệt đôi khi chỉ là những ánh mắt tương tác khi chơi , chỉ là cái chỉ tay vu vơ , hay 1 vài câu nói ê a không rõ lời, hoặc xa hơn 1 chút bến đỗ ấy có thể là 1 từ “Dạ” khi các con được gọi tên. Bởi các bạn cũng biết trẻ Tự kỉ thiếu hụt rất nhiều kĩ năng và giao tiếp là 1 phần vô cùng khó khăn với chúng. Vậy nên bến đỗ tưởng chừng như rất đơn giản ấy đối với các con lại là cả 1 quá trình nỗ lực.Bến đỗ của các Thiên Thần nhỏ bé ấy đặc biệt bởi 1 phần cũng vì những chiến hữu đang đồng hành với các con được mọi người ngoài kia gọi là_ Giáo Viên Giáo Dục Đặc Biệt , trong đó có tôi . Là Giáo Viên nhưng lại không gần với phấn trắng bảng đen , là Giáo Viên nhưng lại không thân thuộc với bục giảng mỗi ngày. Thay vào những điều tưởng chừng như là biểu tượng của nghề Giáo viên ấy đổi lại là những lo toan làm sao để các con có 1 bữa ăn , 1 giấc ngủ thật ngon và giảm đi 1 phần hành vi mỗi ngày để các con được hoà nhập với mọi người nhanh nhất . Giáo án của tôi không phải là những phép toán khổng lồ hay những vần thơ êm ả , Mà thay vào đó lại là những gì nhỏ nhặt nhất như những câu ê a, đôi khi lại là những thói quen hàng ngày tronh giao tiếp như “Xin” “Dạ” . Bởi mỗi đứa trẻ đặc biệt đều mang trong mình những điều bí ẩn khác nhau. Ấy vậy mà để hoàn thành được giáo án ấy những đồng nghiệp của Tôi đã phải nỗ lực gấp 3-4 lần. Đám bạn tôi vẫn thường hỏi: “Nghề này nhiều khó khăn như thế tại sao tôi vẫn lựa chọn để bước tiếp” . Tôi chỉ đáp lại bằng 1 nụ cười với 1 chữ”duyên” . Những đứa trẻ này thật sự thiếu hụt rất nhiều tình thương và có lẽ cũng bởi vì duyên mà tôi gặp được những thiên thần nhỏ bé này. Bởi vì duyên nên mới sát cánh bên nhau lâu như vậy , bởi vì duyên nên dù có trải qua bao nhiêu sóng gió mới có thể cùng nhau vượt qua tất cả. Đi cùng các con cũng được 1 thời gian khá dài tôi mới cảm nhận được 1 phần đặc biệt nới chúng_ đặc biệt không phải ở chỗ các con là trẻ Tự Kỉ , mà đặc biệt nhất ở chỗ các con không ngần ngại cho đi yêu thương với 1 ai đó nếu các con nghĩ đó là bến đỗ an toàn.
Cảm ơn chữ “duyên” đã đưa các bạn nhỏ đặc biệt này đến bên tôi. Cảm ơn các con đã dạy cô nhiều bài học đắt giá, Cảm ơn các thiên thần nhỏ bé đã tiếp thêm cho cô sự kiên nhẫn và sực mạnh phi thường mỗi khi con thuyền gặp giông bão. Và cảm ơn các con ngay cả khi bản thân mang trong mình 1 trái tim với nhiều thương tổn và 1 bộ não đầy khiếm khuyết nhưng vẫn đầy ắp tình thương nơi mỗi chuyến đò. Nếu được chọn lại 1 lần nữa Cô vẫn chọn được làm bạn cùng với các con nơi mọi mạch cảm xúc của cuộc sống.☘️
Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang ngồi
————————————————————————–
Có một nghề “dạy học”, nhưng giáo viên không đứng trên bục giảng.
Họ là những người đi dạy mà chưa bao giờ có khái niệm nghỉ hè. Khó khăn của những giáo viên ấy chính là dạy được cho trò những kỹ năng đơn giản nhất mà lẽ ra đứa trẻ bình thường nào cũng có. Đó là nghề của người dạy trẻ tự kỷ.
Bản thân là một giáo viên dậy trẻ tự kỉ . Hơn ai hết tôi hiểu thấu những gian nan trong nghề dậy trẻ tự kỉ. Tôi vào nghề từ năm 2014, đã dạy rất nhiều trẻ đặc biệt, nhưng đến nay vẫn có nhiều trăn trở với nghề.
Không có một giáo án nào chung cho các trẻ đặc biệt này, các cô giáo phải tùy vào tình trạng của từng em cộng với kinh nghiệm riêng để giúp các em phát triển các kĩ năng về nhận thức, ngôn ngữ, giao tiếp, vận động… Vì thế công việc này đòi hỏi người giáo viên không chỉ có chuyên môn vững mà còn phải có lòng thương yêu và đầy tinh thần trách nhiệm cùng với sự kiên trì bền bỉ bên cạnh người học trò , đó cũng là người bạn của mình.
Chúng tôi thường nói với nhau :” hãy để học trò nghĩ mình là một người bạn của mình vì chỉ khi đặt mình ngang tầm với trẻ ta mới có thể tìm hiểu rõ hơn về thế giới của trẻ, mới cho trẻ cảm giác an toàn để từ đó ta mới can thiệp và dậy trẻ tốt hơn.”
Dậy trẻ tự kỉ thì muôn vàn khó khăn vậy còn khó khăn của các em ấy là gì ? Để tôi nói qua về khó khăn của các em ấy cho mọi người biết nhé : Thích chơi một mình vào những trò đem lại kích thích giác quan ; khó khăn trong sự tạo lập sự chú ý đồng thời với người khác ; các bạn ý chơi giả vờ kém lắm ,thậm chí là không biết chơi giả vở luôn ấy, rồi là khó khăn trong việc xử lý các thông tin giác quan ; sở thích thì hạn hẹp này ; chỉ thích mọi thứ giữ nguyên, lặp đi lặp lại theo thói quen và rất khó khăn trong giao tiếp xã hội.
Đó ạ! Chỉ điểm qua một vài khó khăn của các em ý thôi cũng đã thấy chóng mặt rồi ấy chứ. Thực ra những người trong nghề mới thực sự thấu hiểu được nỗi khó nhọc của việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ tự kỷ. Đối với trẻ bình thường có thể hướng dẫn vài lần là các em biết cách làm, nhưng đối với những trẻ đặc biệt này hướng dẫn 100 lần, thậm chí lặp đi lặp lại trong vài tháng cũng chỉ mới biết những cử chỉ cơ bản.
Bởi, mỗi trẻ tự kỷ có một hoàn cảnh riêng, có một thế giới riêng, có hành vi và cảm nhận khác nhau, vì thế để có thể giúp các trẻ ý thức được xã hội, hòa nhập với cộng đồng thì phải có phương pháp và chương trình dạy khác nhau. Thử thách quá lớn ấy khiến nhiều cô giáo đã có khi nản lòng. Đặc biệt, các cô phải chạy đua thời gian cùng với sự phát triển của trẻ để các em được can thiệp một cách tích cực trong giai đoạn “vàng”. Chính vì vậy, nhiều giáo viên cảm thấy áp lực nặng nề. Thế nhưng, khi các em có sự chuyển biến tốt, biết gọi cô, biết chỉ tay, biết ăn cháo, biết đi vệ sinh… lại là món quà lớn nhất giành cho các cô.
Có những em lúc em mới được đưa đến đây chưa thể nói gì, hỏi gì cũng lắc đầu, sau 6 tháng ròng rã tập nói, gia đình đã bật khóc khi em có thể gọi được những từ đơn giản như: bố, mẹ… và giờ thì đã nói được rất nhiều từ đôi, từ ba và có thể giao tiếp được với các bạn.
Nhiều lần khóc nhưng không bỏ nghề
Gần 6 năm với nghề, cũng được xem là có kinh nghiệm, thế nhưng tôi cũng đã phải khóc tới rất nhiều lần vì áp lực công việc và vì những trăn trở nghề nghiệp. Vậy nhưng chưa lần nào cô nghĩ mình sẽ chuyển công việc khác.
Khi không giúp được gì cho sự phát triển của trẻ, tôi đã tự trách mình, cảm thấy mình kém cỏi. Nhiều lần tôi khóc thầm khi trẻ của mình mấy tháng rồi vẫn không thể tiến bộ dù là nhỏ, thậm chí trở về “mức số không” khi gia đình cho cháu nghỉ ở nhà một tuần. Thế nhưng, hôm sau đến lớp nhìn gương mặt cháu, tôi lại kiên trì dạy lại từ đầu.
Ở nơi đây, mỗi tiến bộ tưởng như là điều bình thường, hiển nhiên với đứa trẻ bình thường lại là cả một niềm hạnh phúc lớn lao đối với cô, trẻ và cả gia đình của trẻ nữa. Tôi vẫn sẽ thật cố gắng để trau rồi thêm nhiều kiến thức, kĩ năng để ngày ngày đi tìm kiếm hạnh phúc lớn lao ấy.
—————————————————————————-
Cảm xúc trong tôi ❣️
Mng Like Và Chia Sẻ Giúp Em Nhé ??
“Con à! Mẹ tin vào sự lựa chọn của con, chỉ cần con vui vẻ mẹ sẽ luôn đứng sau làm chỗ dựa “
Tôi cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa khác, cũng đi học, vui chơi, cũng chọn cho mình một ngành học ngồi trên giảng đường đại học cùng bạn bè đến từ khắp nơi. Rồi cũng tốt nghiệp “ chênh vênh” bước vào công cuộc tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Một ngành học không mới nhưng cũng không mấy người biết về công việc của bọn tôi, đó là một cái gì đó khá mới trong con mắt của những tầng lớp tuổi phụ huynh.
“Không bụi phấn không cả những vần thơ
Sớm hôm tối muộn vận động tinh thô
Kỹ năng, nhận thức đi xuyên những giờ dạy
Không tiếng hát nhưng dạy những tiếng nói đầu
Niềm mong mỏi của biết bao tháng ngày
Giành trọn tình thương cho những đứa trẻ thơ.”
Có lẽ tìm đến với nghề “ giáo dục đặc biệt” cũng là một cái duyên. Khi bỏ qua ước muốn của thời đi học là tìm một công việc văn phòng được nhàn hạ, mặc đẹp, tôi tìm đến nghề qua những lần đi thực tập môn ngắn ngày của trường. Viết một tập hồ sơ thật đẹp, thật nắn nót, mặc một bộ quần áo người lớn một chút, tươi tắn đi nộp hồ sơ xin việc tại một trung tâm cho trẻ đặc biệt đã được xin hẹn trước. Tôi được hẹn phỏng vấn ngay tại lớp học của trung tâm trẻ đặc biệt đó. Học sinh ngồi xếp hàng hai bên và giám đốc trung tâm trực tiếp dạy buổi học đó, tôi ngồi cạnh học sinh trong lớp và đang mải nhìn tìm hiểu xung quanh. “ A quay lại “
Một tiếng quát rất to làm tôi giật bắn mình và kèm theo đó là một bé trai khoảng 4-5 tuổi đang quay lại ghế ngồi của mình. Anh giám đốc nói rằng “
Có lẽ em chưa đi làm ở những trung tâm này bao giờ, nhưng không sao khi em đã vào nghề em sẽ quen thôi. Và tiếp khoảng thời gian phỏng vấn sau đó là những bạn bất thình lình phóng vụt ra khỏi lớp, những tiếng nói to của thầy, tiếng khóc ăn vạ kéo dài mãi, và những hành động tự làm đau bản thân của các bé cứ làm tôi nhớ mãi. Kết thúc ra về anh giám đốc có bảo là sẽ nhận tôi nhưng bản thân tôi cứ suy nghĩ thêm đi thực sự thấy mình làm được thì thứ 2 đến làm. Khung cảnh tại trung tâm làm cho một cô bé mới bước chân ra khỏi trường thực sự ngỡ ngàng, hoang mang với những đứa trẻ ấy. Những suy nghĩ có nên đi theo con đường này không cứ mãi bám lấy tôi, và rồi tôi cùng một người bạn học cùng lớp đã quyết định nộp hồ sơ của mình đến một trung tâm trên đường Thái Thịnh. Học sinh đang xếp thành hàng dài tham gia hoạt động ngoài trời, các cô giáo còn khá trẻ đang đứng hô hào cổ động các bạn học sinh hoàn thành phần thi của mình. Đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi bước chân đến Autism Edu, sự vui tươi, tràn đầy niềm tin, hy vọng bao trùm lên hoạt động ngoài trời đó. Một buổi sáng nắng vàng, trời xanh, những tiếng vỗ tay, sự cố gắng đến các bạn nhỏ kết hợp cùng sự trợ giúp của các cô khoảnh khắc đó làm tôi mãi không quên. Từ giám đốc, quản lý, đến mỗi giáo viên trong các lớp lớn và lớp bé đều là những giáo viên trẻ trung, năng động ở họ tôi cảm giác toát lên những hy vọng cho những đứa trẻ ở đây. Ở đâu cũng vậy dù là công việc gì đi chăng nữa cũng sẽ cho mỗi người những thử thách, những bài học riêng và tôi cũng không ngoại lệ. Buổi đi làm đầu tiên gặp một bạn học sinh khá xinh xắn đang đi lại trong lớp, mồm đang luôn nói tay chân khua khoắng nhìn thấy tôi cô bé ấy nói liến thoắng tay chỉ chỉ, có lẽ khi đó là cô bé chào tôi, nhưng cũng đủ làm tim tôi đánh thót lên một cái và chuẩn bị tinh thần cho những bạn học sinh sắp tới.Làm quen, chơi cùng, cho ăn, và cho các bạn ấy ngủ chính là những bài học đầu tiên của tôi. Mỗi bạn ở đây sẽ đặc biệt, cá tính theo một cách riêng của mình nên các giáo viên cũng phải nương theo tính nết của mỗi bạn để hài hoà vừa thuận theo nhưng cũng trong khuôn khổ cho phép. Bạn không thích tiếng ồn, bạn thì chỉ ăn đồ ăn khô rất sợ ướt, bạn thì sẽ có những phản kháng đặc biệt theo cách của mình. Mỗi bạn sẽ là những trang giáo án riêng tuỳ theo tình trạng phát triển thực tế, điểm mạnh điểm yếu đều được các cô ở đây nhớ rõ. Tập thể giáo viên trẻ đều mang những ước mơ hoài bão khi ra trường nhưng bước chân vào công việc thì đều bất ngờ và là công việc bản thân không nghĩ đến. Nhưng rồi vượt qua những nỗi sợ ban đầu, đôi khi là cả những phán xét từ phía mọi người xung quanh khi thắc mắc “ tại sao có rất nhiều nghề mà lại chọn nghề này”. Nhưng có lẽ hơn cả hết là niềm vui khi nhìn thấy những học sinh của mình tiến bộ lên từng ngày, tốt lên qua những giờ can thiệp cùng với các cô. Là mỗi khi cuối giờ trả con về với phụ huynh nhìn ánh mắt mong mỏi chờ đợi đứa con của mình cất lên tiếng “ chào bố “, “chào mẹ” đó cũng chính là động lực cho các cô tiếp tục cố gắng. Bố mẹ nhìn thấy con thay đổi từng ngày chính bản thân những giáo viên can thiệp trực tiếp cũng thấy mọi công sức của mình có ý nghĩa. Chúng tôi luôn động viên nhau và bố mẹ của học sinh rằng” không có liều thuốc nào tốt nhất cho những đứa trẻ này bằng tình yêu thương” . Rồi 3 tháng, 6 tháng, 1 năm cũng sẽ có những “ thanh niên nhỏ tuổi kiên cường “ được tốt nghiệp ở trung tâm, đi học ở những lớp mầm, lớp lá, đi học ở những trường tiểu học. Người ta bảo rằng “ nghề giáo cũng như một nghề lái đò sẽ đưa hết những chuyến này, chuyến khác qua sông” chúng tôi cũng vậy nhưng thậm chí là đặc biệt hơn với những chuyến đò chở đầy những hy vọng, khát khao và có cả những giọt nước mắt của phụ huynh. Nhìn thấy sự thay đổi, sự tốt lên của các bạn so với các bạn của ngày hôm qua đó chính là món quà lớn nhất của của những người làm nghề như chúng tôi. Lại một mùa tri ân những “ người lái đò” sắp đến tôi xin chúc toàn thể những thầy giáo, cô giáo luôn luôn mạnh khoẻ để vững chắc mái chèo đưa thật nhiều chuyến đò vượt sông, vượt biển thành công.
“ Chèo lái đưa thuyền cập bến sông
Thầy cô mang nặng trái tim nồng “
Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, ngoài trời và thiên nhiên
———————————————————————-
“ Cô giáo đặc biệt” của những học trò đặc biệt.
Tôi đến với nghề như một cái duyên.Kết thúc 4 năm đại học, với mong muốn chọn lựa được một công việc đúng ngành nghề như bao bạn trẻ mới ra trường khác, tôi đã mạnh dạn thử sức mình vào làm tại” Trung tâm ứng dụng tâm lý và giáo dục cho trẻ đặc biệt Autism Edu”. Càng gắn bó lâu với nơi đây tôi càng cảm thấy yêu thích công việc mà mình đã chọn, ước muốn cố gắng, ước muốn gắn bó với nó. Và cho đến bây giờ, tôi cảm thấy may mắn vì xác định đúng con đường mà bản thân đã dự định từ trước đó. Được thức dậy, đi làm, cống hiến và tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về công việc mà được người đời đặt cho cái tên hoa mĩ đó là “cô giáo” của những bạn trẻ đặc biệt.
Có thể mọi người sẽ nghĩ “làm giáo viên mầm non đã vất vả rồi, dạy các bạn trẻ đặc biệt còn vất vả hơn rất nhiều”. Trên quan điểm của tôi thì công việc gì cũng có cái khó riêng của nó, việc chăm sóc các bạn nhỏ nói chung đã rất khó, cần đến rất nhiều sự kiên nhẫn và thấu hiểu từ phía bản thân các giáo viên, không riêng gì các bạn nhỏ đặc biệt mà tôi đang theo dạy. “ Các bạn ấy không biết nói thì có biết gọi khi đi vệ sinh không?”, “ Nói các bạn có hiểu không?”,” Các bạn ấy hay chạy nhảy lung tung lắm nhỉ?”. Đó là hàng loạt những câu hỏi được đặt ra cho tôi khi nói mình làm “ Chuyên viên can thiệp cho trẻ tự kỷ”. Nhưng trên thực tế, cả tôi và đồng nghiệp của tôi đều thấy “ Chúng tôi rất nhàn “. Tại sao tôi lại muốn nói là việc dạy học đó “rất nhàn”? Bởi vì tất cả những đứa trẻ được sinh ra trên thế giới đều có những tâm tư tình cảm, nhu cầu, mong muốn của bản thân, chỉ là cách bộc lộ ra bên ngoài của những đứa trẻ đó khác nhau và người lớn có nắm bắt được suy nghĩ của các bạn ấy hay không mà thôi. Một bộ phận lớn trẻ đặc biệt có thể không diễn đạt được nhu cầu của mình bằng ngôn ngữ lời nói, nhưng thay vào đó thì các bạn ấy có thể diễn đạt nhu cầu bằng những tín hiệu khác nhau như ngôn ngữ cơ thể, hay hành vi của mình. Từ những hiểu biết đó những người làm nghề như tôi nắm bắt những biểu lộ cơ thể ấy để thấu hiểu, tương tác, dạy học, … Việc hiểu rõ từng bạn sẽ giúp công việc can thiệp của những chuyên viên trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả hơn rất nhiều.
Cái khó của những người làm nghề như chúng tôi là mỗi một học sinh là một “ Bông hoa” khác nhau, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người đều gặp những vấn đề riêng, không bạn nào giống bạn nào. Vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực từng ngày, trau dồi kiến thức chuyên môn để có thể tiếp cận, đánh giá chính xác nhất các vấn đề của trẻ và xây dựng một lộ trình can thiêp phù hợp nhất cho các con.
Một đứa trẻ bình thường không có chậm trễ về các lĩnh vực nhận thức,ngôn ngữ, tư duy, hành vi, cảm xúc, ….đi học cũng cần có thời gian làm quen trường, quen lớp, quen cô rồi mới bắt đầu học những bài học đầu tiên. Rồi cần có thời gian tích lũy , có cơ hội trẻ mới thể hiện ra thành hành động. Trẻ tự kỷ, chậm phát triển thì càng cần thời gian gấp nhiều lần so với thời gian phát triển của trẻ bình thường. Điều đó đòi hỏi những chuyên viên can thiệp phải có tâm đối về nghề, nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ và có sự phối hợp tích cực, tận tụy của gia đình và cộng đồng xung quanh thì việc can thiệp mới có hiệu quả.
Nhưng đổi lại niềm vui, động lực của chúng tôi mỗi ngày có lẽ là sự tiến bộ của học sinh. Thậm chí có những tiến bộ trong thời gian rất dài nhưng đó là nỗ lực của trò, là nguồn cảm hứng đối với người làm nghề như chúng tôi. Đã có lần, tôi nói vui với đồng nghiệp mình rằng “Can thiệp cho các con xong, các con tiến bộ, ổn rồi lại rời đi học ở trường khác “, chắc hẳn đó cũng là suy nghĩ chung của các cô – niềm vui xen lẫn một chút buồn. Bởi bạn biết sao không? Việc gắn bó với các con một thời gian dài, giúp các con hoàn thành chương trình can thiệp, được tận mắt chứng kiến sự tiến bộ của các bạn qua từng ngày và rồi đến một ngày các bạn lại rời đi đến một môi trường khác. Mỗi lần như vậy, trong tôi lại xuất hiện một nỗi buồn rất khác nhau. Biết là vậy nhưng mong muốn lớn nhất của những “cô giáo đặc biệt” vẫn là học trò của mình có thể trở về học trường hòa nhập với các bạn cùng trang lứa. Khi các con được tốt nghiệp, rời xa chúng tôi thì đó chính là kết quả tốt nhất cho nỗ lực của cả thầy và trò. Đó là lúc chúng tôi đã thành công.
Không chỉ có các cô dạy trò học, mà hàng ngày tiếp xúc với các con, tôi cũng học hỏi được nhiều điều từ chúng. Những đứa trẻ đã dạy tôi tính kiên trì, nhẫn nại. Chúng dạy tôi biết hiểu, biết cảm nhận một người qua ngôn ngữ cơ thể mà không cần phải lắng nghe qua lời nói. Có thể bạn không tin, nhưng tôi đã từng hiểu được tất cả mong muốn của đứa cháu 5 tháng tuổi của tôi thông qua ánh mắt mà nó nhìn tôi. Hơn tất cả, những đứa trẻ này giúp tôi nhìn nhận thấy giá trị của bản thân mình “ Chỉ cần tôi nỗ lực và cố gắng tôi có thể giúp được bao nhiêu gia đình có con là trẻ đặc biệt, giúp những đứa trẻ đăc biệt phát triển theo cách đặc biệt và tỏa sáng theo cách riêng biệt của chúng.”
Và nhân tiện đây tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả các em, các bậc phụ huynh đã tin tưởng và đồng hành cùng tôi trong suốt thời gian vừa qua.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới các đồng nghiệp của tôi từ những ngày đầu tiên trong sự nghiệp, chúng tôi đã cùng nuôi dưỡng các ý tưởng, thực hành và truyền cho nhau nguồn cảm hứng.
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11,Chúc tất cả các Cô giáo một ngày 20/11 đầy ý nghĩa, vui vẻ và luôn gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người.
Hình ảnh có thể có: văn bản cho biết 'AUTISM EDU f 0000 AUTISM EDU You can do every thing TRUNG TAM NGHIEN CUU, UNG DUNG TAM LY VA GIAO DUC CHO TRE DAC BIET Hotline: 0978 259 186 Tel: 024 777 25 777 Email: eduautism@gmail.com Website: www.autism.edu.vn Address: SN 33 ngo Thal Thinh. Dong Da, Hà Noi.'
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận