29-09-2020

Gia đình là một nhân tố rất quan trọng trong môi trường gần nhất của trẻ, mọi thành viên trong gia đình đều tiếp xúc với trẻ hàng ngày, kích thích sự phát triển về mọi mặt của trẻ đặc biệt là ngôn ngữ và kỹ năng nhận biết về môi trường xung quanh trẻ. Gia đình là nơi hiểu trẻ nhất, đặc biệt là những nhu cầu riêng biệt của trẻ.; những thành viên trong gia đình chính là người dầu tiên có thể tạo cơ hội giúp trẻ hình thành các quan hệ xã hội. Các thành viên trong gia đình chính là hình mẫu cho trẻ về cách ứng xử. Cách sống và cách tổ chức cuộc sống trong gia đình tốt sẽ khuyến khích, nuôi dưỡng sự phát triển những tính cách tích cực ở trẻ.

Quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ nói chung, việc phối hợp giữa cha mẹ và giáo viên là vô cùng quan trọng. Đối với trẻ em rối loạn phổ tự kỉ, sự tham gia của cha mẹ vào quá trình can thiệp và giáo dục các con ngày càng quan trọng hơn và ngày càng được đề cao hơn. Không thể phủ nhận được vai trò của cha mẹ trong việc cung cấp những thông tin về trẻ tại môi trường gia đình và cộng đồng, cũng không thể phủ nhận vai trò của cha mẹ trong can thiệp sớm và xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ như khâu phát hiện điểm mạnh, nhu cầu của trẻ, đặt mục tiêu, lên kế hoạch, thực hiện kế hoạch…

Mặc dù các trường học đều quan tâm đến sự tham gia của gia đình vào các chương trình can thiệp sớm và giáo dục cho trẻ, nhưng việc khuyến khích, động viên cha mẹ và các thành viên trong gia đình tích cực tham gia quá trình này là việc làm không dễ dàng. Do điều kiện sống, nhiều cha mẹ có thể tham gia rất tích cực, nhưng một số cha mẹ khác lại tham gia một cách thụ động, miễn cưỡng vào quá trình ra các quyết định giáo dục cho trẻ. Rõ ràng, việc các bậc cha mẹ hợp tác với nhà trường ở nhiều mức độ khác nhau, nhân tố chính của sự khác nhau này là do đặc điểm của hệ thống gia đình.

Quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ nói chung, việc phối hợp giữa cha mẹ và giáo viên là vô cùng quan trọng

Sự tham gia của cha mẹ vào các hoạt động can thiệp sớm cùng với nhà trường khác nhau rất nhiều ở từng gia đình. Mặc dù nhà trường phải tôn trọng sự lựa chọn của các cha mẹ nhưng họ vẫn có thể khuyến khích cha mẹ tham gia vào quá trình giáo dục con mình. Các giáo viên và gia đình của trẻ rối loạn phổ tự kỉ nên cộng tác với nhau để tối đa hóa những nỗ lực giáo dục trẻ.

Lí do nào cần khuyến khích các bậc cha mẹ tham gia vào quá trình can thiệp sớm cho trẻ?

  • Cha mẹ hiểu con mình nhất, do đó họ là đối tác quan trọng của nhà trường.
  • Các thành viên trong gia đình có thể thúc đẩy việc chuyển giao kiến thức học được ở nhà trường vào cuộc sống gia đình và các môi trường trong cộng đồng.
  • Trẻ sẽ có cơ hội thành công nhiều hơn nếu cha mẹ của trẻ và các giáo viên duy trì những kì vọng giống nhau.
  • Cha mẹ tham gia vào các hoạt động can thiệp của con sẽ tương tác và hưởng lợi từ việc tương tác với cha mẹ của trẻ em rối loạn phổ tự kỉ khác

Gia đình, cụ thể hơn là cha mẹ của trẻ em rối loạn phổ tự kỉ có vai trò cực kì quan trọng trong quá trình can thiệp trẻ. Những vai trò đó thường là:

  • Cung cấp thông tin về trẻ khi đưa trẻ đi đánh giá: quá trình mang thai, tiền sử y tế..
  • Cung cấp thông tin về trẻ khi cùng họp bàn xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân cho trẻ: những điều trẻ làm được và chưa làm được phù hợp với độ tuổi, những mong muốn của gia đình với nhà trường về con mình…
  • Tham gia vào tất cả các khâu của quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch can thiệp cá nhân cho trẻ.
  • Thực hiên các hoạt động can thiệp tại gia đình và cộng đồng.
  • Tạo một môi trường yêu thương, chăm sóc và hỗ trợ đúng mực cho trẻ em rối loạn phổ tự kỉ.
  • Phối hợp chặt chẽ, giữ liên lạc thường xuyên với nhà trường, đặc biệt là các giáo viên trực tiếp can thiệp trẻ để hiểu rõ thông tin về con.
  • Tôn trọng ý kiến và quyết định của giáo viên trong vấn đề can thiệp trẻ.

Sau khi được chẩn đoán và đánh giá, trẻ em rối loạn phổ tự kỉ có thể theo học ở các trường chuyên biệt, trung tâm chuyên biệt hoặc trường hòa nhập tùy theo khả năng của trẻ. Dù theo học ở môi trường nào, thời gian của trẻ ở trường cũng chiếm khoảng 8 giờ đồng hồ. Như vậy, 2/3 thời gian còn lại của trẻ là ở gia đình. Mặc dù trẻ được can thiệp tích cực ở trường thì vẫn chưa đủ để trẻ có thể phát triển tốt, bởi gia đình là nơi có thể diễn ra nhiều tình huống để có thể dạy trẻ như dạy trẻ trong giờ ăn, dạy chơi và giao tiếp khi cả nhà cùng quây quần sau bữa tối, hay dạy trẻ đọc truyện trước giờ đi ngủ. Hơn nữa, nhiều hoạt động tại gia đình cũng yêu cầu trẻ sử dụng nhiều kĩ năng khác nhau. Đây sẽ là cơ hội tốt để cha mẹ và người thân tổ chức các hoạt động can thiệp dựa trên thực tế giành cho trẻ. Bên cạnh đó, một số kĩ năng trẻ không thể học ở trường nhưng có thể học ở nhà bởi những kĩ năng này phù hợp với bối cảnh và thời điểm.Ví dụ: kĩ năng đánh răng, rửa mặt, tắm gội, tiếp xúc với những vị khách… Do đó có thể thấy rằng can thiệp trẻ em rối loạn phổ tự kỉ yêu cầu sự liên tục và bất cứ thời gian nào trong ngày.

MỘT SỐ LƯU Ý MÀ GIA ĐÌNH, ĐẶC BIỆT LÀ CHAM MẸ CẦN LÀM VỚI TRẺ EM RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỈ

·         Bố/mẹ thường xuyên chơi/học với con hàng ngày
·         Thực hiện theo kế hoạch đã đặt ra
·         Bố/mẹ lúc chơi/học với con có định hướng, có phương pháp (tự trau dồi hoặc đã được hướng dẫn) theo mục tiêu đã đề ra
·         Kiên nhẫn với con
·         Biết chờ đợi và lắng nghe con
·         Quan sát và kích thích nhu cầu của con, để con bộc lộ nhu cầu của mình
·         Cho trẻ chủ động làm điều mình muốn
·         Hàng ngày thường xuyên lặp đi lặp lại các chỉ dẫn, và hướng dẫn trẻ tự làm công việc mà cha mẹ đặt ra mục tiêu (dạy trẻ vệ sinh cá nhân, tự ăn, cất đồ chơi..)
·         Thường xuyên biểu hiện cảm xúc với con và để con cũng bộc lộ lại cảm xúc với người thân (ôm hôn con, mỉm cười với con và để con ôm hôn lại mình

 

—–

Nguồn: Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỉ tại Việt Nam – Quỹ bảo trợ Trẻ em Việt Nam.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận